Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.
Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ.
Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm a trở nặng sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:
- Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt;
- Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh;
- Co giật; Khó thở/thở nhanh.
Để phòng ngừa bệnh cúm A hiệu quả cho những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm A như trẻ em và người cao tuổi nói riêng và tất cả các đối tượng khác nói chung, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Vệ sinh cá nhân cẩn thận: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong mùa dịch, cần tránh tập trung nơi đông người. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần tránh tiếp xúc với với bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt, ho, sổ mũi,… nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn thông thường.
Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
Tiêm vắc xin phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch.